Bài dự thi Tìm hiểu Pháp luật phòng chống tham nhũng 2021 mới gồm đáp án trắc nghiệm và câu hỏi tự luận đầy đủ được chia sẻ miễn phí gửi các bạn tham khảo. Nội dung chi tiết Bài dự thi Tìm hiểu Pháp luật phòng chống tham nhũng 2021 được trình bày chi tiết dưới đây.
BÀI DỰ THI
TÌM HIỂU VỀ PHÁP LUẬT PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG
Họ và tên người dự thi:
Ngày tháng năm sinh:
Số Căn cước công dân (hoặc số CMT):
Địa chỉ:
Đơn vị công tác:
Số điện thoại liên hệ:
Câu hỏi | Đáp án | Câu hỏi | Đáp án | Câu hỏi | Đáp án |
Câu 1 | A | Câu 10 | B | Câu 19 | C |
Câu 2 | D | Câu 11 | A | Câu 20 | A |
Câu 3 | B | Câu 12 | D | Câu 21 | B |
Câu 4 | D | Câu 13 | B | Câu 22 | B |
Câu 5 | B | Câu 14 | C | Câu 23 | C |
Câu 6 | D | Câu 15 | C | Câu 24 | D |
Câu 7 | B | Câu 16 | D | Câu 25 | C |
Câu 8 | C | Câu 17 | D | ||
Câu 9 | D | Câu 18 | D |
Anh (chị) hãy trình bày và phân tích các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay?
1. Khái niệm tham nhũng
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. Tệ nạn tham nhũng diễn ra ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, không kể quốc gia đó giàu hay nghèo, đang ở trình độ phát triển kinh tế như thế nào; tham nhũng diễn ra ở mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, văn hoá, nó tồn tại và phát triển thường xuyên và xảy ra mọi mặt của đời sống xã hội. Tham nhũng là một căn bệnh nguy hiểm, gây ra những hậu quả hết sức nguy hại về mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, cản trở sự phát triển đi lên của xã hội.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
2. Các đặc trưng của hành vi tham nhũng – Nhìn từ góc độ pháp luật
Nghiên cứu những quy định của pháp luật về hành vi tham nhũng và tội phạm tham nhũng cũng như từ thực tiễn của cuộc sống đấu tranh chống tham nhũng, chúng ta thấy tham nhũng có những dấu hiệu đặc trưng sau:
– Tham nhũng phải là hành vi của những người có chức vụ quyền hạn: Yếu tố quyền lực là dấu hiệu đặc trưng đầu tiên và cũng là đặc trưng cơ bản nhất của hành vi tham nhũng. Điều này phân biệt hành vi tham nhũng với những hành vi vi phạm pháp luật khác được thực hiện bởi những người không có chức vụ, quyền hạn như hành vi trộm cắp, cướp giật, lừa đảo…
– Khi thực hiện hành vi tham nhũng thì người có chức vụ, quyền hạn đã có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vi phạm pháp luật: Đây cũng là một dấu hiệu đặc trưng cần lưu ý của hành vi tham nhũng. Bởi lẽ, không phải khi nào người có chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật cũng do lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn có thể có hành vi vi phạm pháp luật thông thường nhưng không phải trên cơ sở lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình thì hành vi đó cũng không phải là hành vi tham nhũng. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật không nhất thiết là hành vi vi phạm do họ thực hiện liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn đó mà có thể bao gồm cả việc lợi dụng ảnh hưởng của chức vụ quyền hạn hay vị trí công tác để thực hiện.
– Hành vi tham nhũng phải có động cơ vụ lợi, nhằm “thu lợi bất chính”: Đây là một dấu hiệu đặc trưng của hành vi tham nhũng. Người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà pháp luật trao cho mình để mang lại những lợi ích có tính chất cá nhân. Tức là người có chức vụ, quyền hạn đã hành động không phải xuất phát từ nhu cầu của công việc và trách nhiệm của mình mà vì những lợi ích của riêng mình. Mục đích vụ lợi còn có thể được hiểu là có thể người có chức vụ, quyền hạn đã dùng ảnh hưởng của mình để mang lại lợi ích cho vợ con hay người thân thích của mình.
Tóm lại một hành vi được coi là tham nhũng nhất thiết phải có yếu tố lợi ích ở trong đó, có thể là lợi ích về vật chất hoặc tinh thần, cho mình hoặc cho người thân thích của mình. Có thể nói, lợi ích mà hành vi tham nhũng hướng đến rất đa dạng, nhưng lợi ích đó phải là mục đích, động cơ trực tiếp thúc đẩy người được sử dụng quyền lực nhà nước thực hiện hành vi tham nhũng.
3. Quá trình phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta
Ngay từ những ngày đầu giành độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức coi trọng việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân và coi đó là nền tảng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam, Nhà nước thực sự là bộ máy phục vụ cho lợi ích của nhân dân Việt nam. Chính quyền non trẻ đã bắt tay ngay vào công cuộc kiến thiết đất nước đồng thời sẵn sàng chống lại âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch bên ngoài. Đây là một công việc hết sức mới mẻ và khó khăn. Lúc đó chúng ta chưa có một hệ thống pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý của chính quyền đồng thời cũng đã bắt đầu có hiện tượng một số người cố tình lợi dụng địa vị của mình trong bộ máy chính quyền để mưu lợi cá nhân, tham ô, lãng phí…Thấy trước nguy cơ đó, nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích của nhân dân, ngày 23/11/1945, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Sắc lệnh gồm 8 điều, “Điều thứ nhất: Chính phủ sẽ lập ngay một Ban Thanh tra đặc biệt, có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho việc giám sát….”. Như vậy, có thể thấy rõ ngay từ đầu, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã nhìn thấy nguy cơ của căn bệnh quyền lực có thể phá hoại sự nghiệp cách mạng của dân tộc; dành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn rất nhiều. Sắc lệnh quy định cho Ban thanh tra đặc biệt những quyền hạn hết sức rộng lớn: “Điều tra, hỏi chứng, xem xét các giấy tờ tài liệu của Uỷ ban nhân dân hoặc của các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công tác giám sát; đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Uỷ ban nhân dân hay Chính phủ phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Toà án đặc biệt xét xử; Tịch biên hoặc niêm phong các tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập hồ sơ mang một phạm nhân ra Toà án đặc biệt…
Điều thứ ba- Sẽ thiết lập ngay tại Hà Nội một Toà án đặc biệt để xử những nhân viên của Uỷ ban nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra truy tố…
Điều thứ sáu- Toà án đặc biệt có toàn quyền định án, có thể tuyên án tử hình.
Những án tuyên lên sẽ được thi hành trong 48 giờ…” .
Có thể nói rằng, Sắc lệnh số 64/SL ngày 23 tháng 11 năm 1945 cùng với sự ra đời của Ban Thanh tra đặc biệt và Toà án đặc biệt với các nhiệm vụ quyền hạn cũng như đối tượng hoạt động của nó chính là văn bản pháp lý đầu tiên về đấu tranh chống tham nhũng của Nhà nước ta, Nhà nước dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Sự ra đời của Ban Thanh tra đặc biệt và những hoạt động của nó đã giúp cho chúng ta đấu tranh với những hành vi vi phạm của những kẻ thoái hoá, biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã bị phát hiện và xử lý, mang lại niềm tin của nhân dân vào chế độ mới.
Cho đến trước khi có Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998 và những qui định về chống tham nhũng trong Bộ luật hình sự năm 1999, các văn bản pháp luật, chủ yếu là do Chính phủ ban hành, có quy định rải rác về các biện pháp phòng ngừa và chống tham nhũng. Tuy nhiên có thể kể đến một số văn bản quy định trực tiếp về vấn đề chống tham nhũng như:
– Chỉ thị số 84/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/9/1964 về việc tổng hợp tình hình tham ô, lãng phí quan liêu;
– Quyết định số 207/CP ngày 6/12/1962 về việc vận động nêu cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, chống tham ô lãng phí, quan liêu;
– Quyết định số 240/HĐBT ngày 26/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về đấu tranh chống tham nhũng;
– Chỉ thị số 416/CT ngày 3/12/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tăng cường công tác thanh tra, xử lý các việc tham nhũng, buôn lậu;
– Chỉ thị số 08/CT-TATC ngày 06/12/1990 của Tòa án nhân dân tối cao về việc chống tham nhũng, buôn lậu qua biên giới và một số tội phạm kinh tế khác;
– Quyết định số 114/TTg ngày 21/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tham nhũng, buôn lậu;
– Chỉ thị số 171/TTg ngày 16/12/1990 của Thủ tướng Chính phủ về việc chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản…
Về các biện pháp hình sự nhằm xử lý các tội phạm về tham nhũng đáng kể nhất có các văn bản: Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21 tháng 10 năm 1970, Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ năm 1981, Các qui định tội phạm về chức vụ trong Bộ luật Hình sự năm 1986…
Nhìn chung, qua các giai đoạn phát triển thời gian này, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, các văn bản chủ yếu dưới luật, tản mát, quy định còn chung chung, định hướng, chủ trương mà chưa tạo ra những thiết chế, cơ chế cần thiết làm cơ sở vững chắc cho việc đấu tranh chống tham nhũng; chỉ chú trọng đến việc xử lý mà chưa có đủ qui định tạo ra cơ chế phòng ngừa tham nhũng nên hiệu quả thi hành còn hạn chế.
Nhằm khắc phục bất cập trên, ngày 26/2/1998, Pháp lệnh chống tham nhũng được ban hành. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên chuyên biệt về chống tham nhũng, trong đó đưa ra định nghĩa về hành vi tham nhũng, người có chức vụ quyền hạn, các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng…cũng như qui định cụ thể có tính chất “lượng hoá” để phân biệt các hình thức xử lý người có hành vi tham nhũng. (Đến năm 1999 chúng ta ban hành Bộ Luật hình sự , trong đó qui định một nhóm tội tham nhũng bao gồm 07 tội danh. Vì vậy đến năm 2000, Pháp lệnh số 22/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 4 năm 2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh chống tham nhũng cho phù hợp với Bộ luật hình sự). Trên có sở các qui định của Pháp lệnh chống tham nhũng, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc tham nhũng, thu hồi một số lượng lớn tiền, tài sản cho nhà nước và nhân dân.
Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai thực hiện, Pháp lệnh chống tham nhũng đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tham nhũng, như các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể; qui định trách nhiệm chung cho các cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng mà chưa có qui định về cơ chế phối hợp để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống tham nhũng. Mặt khác, việc xác định phạm vi trách nhiệm và quyền hạn cụ thể của từng cơ quan có nhiệm vụ chống tham nhũng chưa được phân định rõ ràng, thiếu cơ chế điều phối hoạt động; chưa có các qui định để tạo điều kiện cho cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát áp dụng các biện pháp có hiệu quả để đấu tranh chống tham nhũng; cơ chế tiếp nhận và xử lý tố cáo tham nhũng chưa hợp lý; thiếu các qui định tạo điều kiện thuận lợi, động viên, khuyến khích tố cáo tham nhũng; chưa có qui định nhằm tạo ra cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, đoàn thể xã hội, cơ quan báo chí, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, công dân nhằm phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng; Mặt khác yêu cầu của quá trình hội nhập nói chung, trong lĩnh vực pháp luật nói riêng, đặc biệt là việc chúng ta ký kết và tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu ban hành đạo luật mới, tạo ra một khuôn khổ pháp luật đầy đủ và mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Vì những lý do đó, ngày 29/11/2005, Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật phòng, chống tham nhũng.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2006, là đạo luật đầu tiên do Quốc hội ban hành có hiệu lực pháp luật cao. Tiếp theo đó, ngày 04/8/2007, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng.
Nhằm kịp thời khắc phục một số bất cập trong quá trình thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và thể chế hóa các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 3 khóa X, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, ngày 23/11/2012, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn được nói đến gồm các văn bản pháp luật sau:
– Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng.
– Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
– Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/ 2007 của Chính phủ quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. Nghị định số 68/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 37/2007/NĐ-CP.
– Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
– Nghị định số 102/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ.
– Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định về danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.
– Ngoài ra, còn các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của một số bộ, ngành cũng quy định về phòng, chống tham nhũng.
Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (Luật PCTN), công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Kết quả 10 thực hiện Luật PCTN cho thấy, những bất cập của Luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, cụ thể như sau:
– Thứ nhất, quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là chưa làm rõ về nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch; nội dung công khai, minh bạch theo ngành, lĩnh vực trùng lặp với quy định về công khai trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành; chế độ thông tin, báo cáo, đo lường, đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng chưa cụ thể.
– Thứ hai, quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, còn hẹp (chỉ thực hiện đối với quyết định, hành vi có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức), chưa toàn diện; trình tự, thủ tục và nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa rõ ràng, chưa mang tính khả thi, chưa gắn với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác, đặc biệt là biện pháp về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
– Thứ ba, chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; một số biện pháp hiệu quả còn hạn chế như thiếu cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm về nhận, tặng quà; thiếu biện pháp xử lý cụ thể; chưa khắc phục được việc tặng và nhận quà đối với người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ; chưa kiểm soát được hoạt động và thu nhập ngoài công vụ của người có chức vụ, quyền hạn….
– Thứ tư, các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng và không khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng …
– Thứ năm, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu; chưa quy định rõ việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng…
– Thứ sáu, các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chưa phù hợp, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng chưa phát huy vai trò của mỗi cơ quan trong xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
– Thứ bảy, các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ người tố cáo, khen thưởng người có thành tích trong tố cáo tham nhũng…
– Thứ tám, thiếu quy định về các biện pháp xử lý phi hình sự đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hành vi tham nhũng và thiếu quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm Luật PCTN…
Những hạn chế, bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng. Vì vậy, cần phải xây dựng Luật phòng, chống tham nhũng mới nhằm khắc phục tình trạng đó.
Ngoài ra, việc ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng mới để thay thế Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) là rất cần thiết vì xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng mới nhằm tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, để đồng bộ với quy định mới trong các đạo luật quan trọng khác được Quốc hội thông qua và nhằm nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng.
Ngày 20/11/2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019, là đạo luật có hiệu lực pháp luật cao, phù hợp với tình hình của đất nước, quốc tế, được dư luận đánh giá là một đạo luật quy định khá toàn diện, đầy đủ, và hiện đang có hiệu lực thi hành. Tiếp theo đó, ngày 15/7/2020, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH).
Trên đây là nội dung chi tiết Bài dự thi Tìm hiểu Pháp luật phòng chống tham nhũng 2021. Mời các bạn tham khảo thêm những bài viết thú vị và hữu ích trên nangthu.com nhé.